Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012

Áo bà ba, vẻ đẹp thuần hậu

Nếu chiếc áo dài, biểu tượng của hình ảnh phụ nữ Việt Nam nói chung, mang nhiều sắc thái khác nhau, khi duyên dáng thướt tha, khi sang trọng, đài các, khi tinh khôi, nền nã, khi đằm thắm, dịu dàng thì chiếc áo bà ba lại mang một vẻ đẹp mộc mạc, đằm thắm, đảm đang. Bởi lẽ, nó thường được người phụ nữ Nam Bộ vận khi làm đồng, khi lao động.

Trong khi, các trang phục truyền thống khác thường có sự tương xứng theo cặp nam và nữ: áo tứ thân đi với áo the, khăn xếp; áo dài đi với comple... Riêng áo bà ba thì cả nam nữ đều chung một kiểu. Cũng bởi bà ba không cầu kỳ, người Nam Bộ ưa mặc nó vì sự tiện dụng, mặc được cả khi làm đồng, khi đi chợ, đi chơi. Áo bà ba giản dị như thế, nhưng nó luôn có một vẻ đẹp đằm thắm, duyên dáng. Đặc biệt, không biết từ bao giờ, chiếc áo bà ba kết hợp với khăn rằn, nón lá đã trở thành một biểu trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Nam Bộ.
. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu
Áo bà ba giản dị, không có cổ, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, dải khuy cài khít từ cổ áo chạy xuống, tà xẻ vừa phải ở hai bên hông. Độ dài của áo chỉ trùm qua mông, ôm gọn gàng lấy thân hình người phụ nữ. Áo kết hợp với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chân, làm đẹp thêm vóc dáng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, thanh thoát, mềm mại. Áo là biểu tượng, là tâm hồn của quê hương xứ sở, là hồn Việt trải qua mấy trăm năm kể từ khi cha ông ta khai phá mảnh đất phương Nam
.
Gần gũi với cuộc sống lao động
Về nguồn gốc, có người cho rằng chiếc áo bà ba Nam Bộ phỏng theo y phục của các nước lân cận nhờ quá trình giao lưu văn hoá. Cụ thể hơn đó là kiểu trang phục của người "BaBa"- một nhóm người Hoa sống trên đảo Pinang thuộc Malaysia ngày nay. Có người lại cho rằng, áo bà ba là sự chuyển đổi từ chiếc áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt... Áo bà ba thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây.

Vải để may áo bà ba luôn là loại vải mềm, mát để phù hợp với khí hậu Nam Bộ nóng ẩm, với hai mùa mưa nắng. Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long xưa thường mặc bà bà đen khi lao động, khi đi làm đồng, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ. Vải may là loại vải một, vải ú, vải sơn đầm... rất mau khô sau khi giặt. Áo lại được xẻ tà ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to, tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như tiền bạc, gim băng... Áo bà ba được phụ nữ Nam Bộ mặc cả lúc đi làm, đi chợ, hay diện đi chơi. Lúc đi chơi, họ thường chọn những màu sáng sủa như màu trắng, màu xám tro. Còn đối với các cô, các bà giàu có thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt... với chất liệu vải đắt tiền như the, lụa. 

Những cách điệu trên áo bà ba
Áo bà ba bắt đầu được cách điệu vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Một thời gian, thành thị miền Nam phổ biến kiểu áo bà ba ráp tay raglan, đã tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo dài bà ba truyền thống. Với kiểu vai raglan này, hai thân áo trước và sau tách rời khỏi vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách. Bà ba vai raglan chỉ cần may khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước đó. Tay áo dài hơn nhưng hơi loe, có khi người ta bỏ cả hai túi ở vạt trước để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn.

Chiếc áo bà ba ngày nay tinh tế và thanh nhã hơn và vẫn thường được may theo kiểu chiết eo khít lấy thân người, tà xẻ sâu hơn một chút, tôn lên đường cong duyên dáng, mềm mại, dáng vẻ thướt tha, uyển chuyển của người phụ nữ. Cổ áo thì nhiều kiểu, nhưng phổ biến nhất là cổ tim và cổ tròn. 

Dù vậy, ngày nay ít thấy áo bà ba xuất hiện trên đường phố, ngay cả khi về các vùng quê, khi mà các kiểu thời trang công sở, dạ hội, dạo phố, muôn màu muôn vẻ, chiếc áo bà ba mang một nét quê mùa, mộc mạc, tuy rất đỗi thân thương, nhưng dường như không còn phù hợp lắm với nếp sống hiện đại nữa. Thường chỉ còn các bà, các mẹ là vẫn còn chung thủy với nếp áo thân thương ấy. 

Khi mà chiếc áo dài tha thướt vẫn hiện hữu tại các buổi lễ hội, vẫn tung bay duyên dáng trên đường phố, thì chiếc áo bà ba lại nép sâu vào ký ức một thời. Nếu cách tân đối với áo dài dễ dàng hòa hợp hơn với các sắc màu, hoa văn, các kiểu dáng, các chất liệu, thì áo bà ba chỉ chung thủy với một kiểu dáng, một gu màu sắc, và một kiểu chất liệu, tất cả đều phải mộc mạc, nền nã, giản dị, không thể khác được. Có lẽ chính điều đó khiến cho áo bà ba khó thích hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng cũng chính điều đó đã làm nên một nét đẹp riêng, một cái duyên riêng, không pha lẫn của áo bà ba. 

Chiếc áo bà ba có lẽ đẹp nhất khi nó gắn với hình ảnh người con gái Nam Bộ với vóc dáng nhỏ nhắn vươn mình đẩy mái chèo cho con thuyền lướt nhanh trên dòng nước. Trong chiến tranh lửa đạn, tà áo bà ba ấy đã in sâu trong ký ức của biết bao người dân Việt, nó gắn bó với hình ảnh các mẹ, các chị Nam Bộ bất khuất, kiên cường. 

“Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm, thấp thoáng con xuồng bé nhỏ đến mong manh, nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ, Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời”. Ai đã từng ngồi trên những con xuồng nhỏ xuôi dòng Hậu Giang, lắng nghe câu hò, điệu lý Nam Bộ ngọt ngào, ngắm tà áo bà ba mềm mại bay trong gió, chắc chắn sẽ còn mãi trong lòng những dư vị không quên.
Có nhiều giả thiết về lịch sử của chiếc áo bà ba:
1. Áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở Nam Bộ vào thời Hậu Lê.
2. Áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XIX được Trương Vĩnh Ky cách tân từ áo của người dân đảo Pénang, Malaysia (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt.
3. Áo bà ba có nét giống cái “áo đàn ông cổ tròn và cửa ống tay hẹp” mà Lê Quý Đôn đã quy định cho dân từ Thuận Quảng trở vào ở cuối thế kỷ XVIII. 

Minh Nguyệt

Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Cách chọn áo thun đẹp


Một chiếc Áo thun chuẩn phải đẹp từ chất liệu, kiểu dáng, màu sắc cho đến chiếc logo và cả những thông điệp được in trên nó. Và dưới đây là những bí quyết giúp bạn chọn được cho mình một chiếc áo phù hợp.

Hầu hết Áo thun chúng ta mặc ngày nay đều làm từ sợi vải cotton, polyester và sự pha trộn của hai thứ vải này với nhau. Việc may một chiếc Áo thun cũng khá đơn giản. Hiện nay, mọi quy trình đều được tự động hóa bằng máy, từ quy trình cắt, vắt sổ đến ráp các mảnh áo lại với nhau. Song, công đoạn quan trọng nhất thể hiện đẳng cấp của một chiếc Áo thun tốt là dệt vải. Vải áo dệt càng mỏng, áo mặc càng mát và nhẹ. Mồ hôi sẽ nhanh thấm và thoát ra khỏi thớ vải khi gặp gió, vì thế luôn tạo cảm giác khô thoáng và thoải mái.

Một chiếc Áo thun trắng trơn có thể sẽ mang lại cảm giác đơn điệu cho cả người mặc và người nhìn. Bởi thế, việc thiết kế và nhuộm màu cho áo không chỉ có "đất sống" mà còn có rất nhiều không gian để "tung tẩy". Có hẳn một loại mực chuyên dụng cho việc in Áo thun. Riêng với những loại có in hình họa hoặc logo, người ta sẽ sử dụng các miếng dán hình thú, đá trang trí, đồ phụ kiện thêu rồi là "chết" lên áo.

Sau này, kĩ thuật in laser cho phép in tất cả các hình muốn thể hiện lên mặt áo. Ngay từ thập niên 1960, Áo thun có in hình đã trở thành mốt thời thượng khi các ban nhạc rock đi vòng quanh thế giới quảng bá cho tour diễn của mình với những chiếc Áo thun có những hình vẽ rất ấn tượng.

Năm 1980, máy nhuộm áo nhiệt độ ra đời, nghĩa là màu áo có thể thay đổi theo nhiệt độ. Tuy nhiên, loại áo "thông minh" này lại không được chuộng lắm bởi chất nhuộm bám lên áo dễ bị phân hủy khi giặt. Và chỉ một thời gian ngắn sau, chiếc áo không còn được như ban đầu mà biến thành hỗn hợp màu loang lổ rất mất thẩm mỹ. Công nghệ nhuộm màu cho Áo thun đặc biệt quan trọng, nó ít nhiều phụ thuộc vào chất liệu thun thấm được độ đậm đặc của màu đến đâu.

Cho dù Áo thun có hình họa phổ biến từ những năm 1960, song phải 30 năm sau, chiếc áo có in hình logo mới thật sự làm khuynh đảo giới trẻ. Những nhà thiết kế danh giá của Calvin Klein, Fubu, Ralph Lauren và The Gap đã nhảy vào "cuộc chiến" để đưa ra các mẫu logo gắn liền với thương hiệu Áo thun của họ.

Sang năm 2000, loại Áo thun có in khẩu hiệu và những lời châm biếm rục rịch xuất hiện trên thị trường. Công chúa nhạc Pop một thời Britney Spears và cô nàng đỏng đảnh Paris Hilton là những người đi tiên phong trong trào lưu mặc Áo thun in những khẩu hiệu gây sốc

Xu thế màu sắc của Áo thun càng ngày càng nền nã và bớt "kịch tính" hơn. Nếu năm 2006, các sàn diễn Thời trang thế giới tràn ngập Áo thun tông màu nổi như da cam, đỏ, tím thì năm 2007, các gam màu đã được tiết chế cho giảm sắc độ xuống. Bởi thế, những tông màu cơ bản của Thời trang như đỏ, đen và trắng vẫn luôn giữ vị thế số một.

Sành chọn Áo thun



Với nhiệm vụ thấm hút mồ hôi, giảm nhiệt và làm mát cơ thể, Áo thun tốt nhất nên được làm 100% cotton. Khi được pha thêm polyester nhằm tạo độ co giãn, các tính năng trên của Áo thun sẽ giảm đi, song nó lại tạo ra những đường lượn gợi cảm cho người mặc. Đó là lý do đàn ông luôn thích Áo thun làm hoàn toàn từ vải cotton, còn phụ nữ lại chuộng áo có chất co giãn để tăng thêm nét quyến rũ. Tất nhiên, chiếc Áo thun đẹp hay không còn phụ thuộc vào chính người mặc nó.

- Cổ cao: Nên mặc Áo thun có cổ, bẻ ra bên ngoài để rút bớt độ ngắn của cổ.

- Vai to, cổ ngắn: Áo thun hình cổ tim duyên dáng là lựa chọn số một. Kiểu cổ này giúp tạo điểm nhấn nơi chiếc áo, khiến người đối diện "quên" mất những nhược điểm của người đang mặc.

- Da trắng: Đây là nước da dễ "ăn" các màu của Áo thun nhất. Các màu như đỏ tươi, đỏ tím và đen sẽ mang lại cho bạn một ấn tượng khó phai.

- Da ngăm đen: Đừng đặt những chiếc Áo thun có màu tối vào tủ áo quần của bạn nữa, nó sẽ làm cho khuôn mặt bạn không được sáng và già đi trông thấy. Nên chọn các màu nhạt, dễ chịu như hồng phớt, xanh lơ, trắng để tôn dáng vóc của bạn lên.

- Kết hợp với váy: Áo thun chỉ hợp nhất với các chân váy dạng cứng, khỏe khoắn như váy jeans, váy kaki. Không mang Áo thun với váy lụa, vì nó sẽ khiến bạn trông hơi "khác người"

- Diện với quần tây: Hãy quên đi kiểu Thời trang hài hước này. Mặc Áo thun với quần tây ống đứng để đi làm chưa bao giờ là lựa chọn của những người có phong cách Thời trang.

- Đi với quần jeans và soóc: Bản thân Áo thun đã nói lên phong cách khỏe khoắn và đơn giản, nên dù là áo rộng, áo ôm, có cổ hay không cổ thì cách mặc với quần jeans và quần soóc vẫn được chuộng qua mọi thời đại.

Bí quyết giữ Áo thun được bền đẹp

- Áo thun được dệt tốt sẽ có độ chảy xệ ít hơn, nhưng để hạn chế sự bai giãn của áo, bạn nên phơi ngang áo trên dây. Tuyệt đối không phơi áo bằng cách treo móc vì áo sẽ có xu hướng chảy xệ theo chiều dọc.

- Không giặt áo bằng chất giặt có độ tẩy cao. Nếu vô tình giặt chung với một chiếc Áo thun màu trắng với những áo màu khác, chất tẩy trong bột giặt sẽ làm áo loang lổ. Luôn giặt áo ở nhiệt độ âm ấm khoảng 40oC.

- Phơi mặt trái của áo: Tốt nhất bạn nên phơi áo ở những nơi râm mát, tránh ánh nắng gắt. Phơi mặt trái nhằm giữ cho màu sắc luôn tươi mới.

- Nên là mặt trái của áo: Áo thun 100% cotton hơi nhàu khi giặt xong. Bạn nên là mặt trái của áo để tránh làm chết màu sắc của vải, và bong tróc những hình ảnh, logo, khẩu hiệu in trên áo.
Tag : Mẹo làm đẹp , Girl xinh , Áo thun , Game trực tuyến , Game di động , Bóng đá...
N.H - (Theo SĐ)

Việt Báo (Theo_VnMedia).