Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Tuổi trẻ và quan niệm về trang phục đẹp.


Xã hội càng văn minh, con người càng hiện đại thì những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những đòi hỏi về chất lượng trong giáo dục, trong ẩm thực hay sự nhẹ nhàng trong công việc thì một trong những yêu cầu thiết yếu mà con người ngày nay ở mọi giới, mọi lứa tuổi đều quan tâm đó chính là nhu cầu về thời trang, hay nói cách khác 

Thời trang – Mối quan tâm của tuổi trẻ

Ông bà ta thường nói “cơm ăn áo mặc” với ý nghĩa “ăn” và “mặc” là hai trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Lại nói “cơm no áo ấm” với ý nghĩa là cái đích tối thiểu của lao động. Từ “cơm no áo ấm” đến “ăn ngon mặc đẹp” được coi là một chặng đường phấn đấu gian khổ của con người, trong đó cái đích hướng đến cuối cùng vẫn là cái đẹp. Nói như thế cũng có nghĩa là, ở các mức độ khác nhau, trang phục được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá con người.

Có lẽ vì vậy mà ngày nay, thời trang chính là một trong những vấn đề được mọi người, đặc biệt là giới trẻ lấy làm mối quan tâm hàng đầu khi thực hiện bất kì một cuộc giao tiếp nào trong xã hội. Từ môi trường học đường đến nơi công sở, từ nơi vui chơi giải trí đến những buổi dạ tiệc sang trọng…đâu đâu các bạn cũng muốn mình được nổi bật và đẹp hơn nhờ các bộ trang phục thời trang nhất. Chính điều đó đã tạo ra “cơn lốc” trong lĩnh vực thời trang hiện nay, khiến cho không ít các bạn trẻ có xu hướng ngày càng đổi mới trong việc lựa chọn trang phục cho bản thân trong cuộc sống. Cùng theo đó là một quan niệm mới về cái đẹp trong trang phục.

Nói riêng ở Việt Nam, cách riêng hơn là trong giới trí thức sinh viên hiện nay, không ít các bạn khi được hỏi “quan niệm của cá nhân về trang phục đẹp hiện nay” đã cho rằng: đẹp, lịch sự, sang trọng không thể tách rời với những bộ cánh thật mô-đen, thật đắc tiền… Từ đó mà hình thành nên những sở thích riêng trong thời trang. Một trong những vấn đề làm các bậc phụ huynh quan tâm ngày nay đó chính là hiện tượng “ngắn hóa” trong trang phục của các bạn trẻ. Nữ sinh thì đòi diện những bộ váy thật ngắn khi đến trường. Nam sinh thì đòi mặc quần lửng khi đi học. 

Sinh viên cũng không còn thích bị “gò bó” trong những bộ đồng phục do trường quy định mà họ muốn ngày càng tự khẳng định cá tính của mình hơn qua cách ăn mặc. Theo các bạn thì đó cũng chính là một trong những tiêu chí trong việc xây dựng một trường học dân chủ, tôn trọng cá nhân sinh viên ! Ngoài ra, người ta cũng nhìn thấy trang phục dạo phố của các bạn trẻ ngày nay chính là những bộ cánh hở cả lưng, thật lòe loẹt, và quan trọng là không “đụng hàng”. Mặc những chiếc áo đã ra đời cách đây một năm sẽ được các bạn liệt vào nhóm người “thích sưu tầm đồ cổ”. Mặc những bộ cánh kín đáo sẽ được giới trẻ ghép cho vào nhóm “con ngoan trò giỏi”….

Thời trang là văn hóa

Thật ra, nhu cầu đổi mới trong thời trang là một nhu cầu tất yếu và cần thiết, nó càng giúp con người ngày nay dễ dàng định vị và hòa nhập nhanh chóng với nền văn minh thế giới. Làm sao để thời trang có thể hài hòa với môi trường sống, với công việc và cá nhân của từng người, từng quốc gia dân tộc chính là điều mà con người ngày nay quan tâm khi nhắc đến thời trang. Thế nhưng, hòa nhập cũng không có nghĩa là con người được phép quên đi những vấn đề về văn hóa, nó là tiêu chí quan trọng khẳng định sự hiện hữu của quốc gia trên bản đồ thế giới. Vì thế, vấn đề thời trang ngày nay đang cần được các bạn trẻ nhìn nhận lại. Theo tôi, ăn mặc đẹp, hợp thời trang chính là mặc những trang phục phù hợp với cộng đồng, với thời đại và hài hòa với cá nhân. 

Ông bà ta thường nói “ăn cho mình, mặc cho người” là vì vậy, nghĩa là việc mặc như thế nào cho đẹp không chỉ là sở thích tuyệt đối của mỗi cá nhân mà quan trọng là phải phù hợp với hoàn cảnh, với công việc và với cả vóc người của mỗi cá nhân nữa. Hay nói cách khác, đẹp trong trang phục chính là sự kết hợp của hai yếu tố hợp lí và hài hòa.

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng. Trang phục chính là một trong những tiếng nói thể hiện nét văn hóa riêng cộng đồng dân cư ấy. Vậy thì Việt Nam chúng ta, một trong những nước vẫn thường tự hào là có bề dày văn hóa trong khu vực thì tiếng nói văn hóa của chúng ta thể hiện trong trang phục phải như thế nào để nổi trội và không trộn lẫn với những nền văn hóa khác trong thời buổi hội nhập hiện nay ! Thiết nghĩ, phù hợp với văn hóa dân tộc chính là sự cách tân trên cơ sở kế thừa và phát triển cái đẹp truyền thống. Theo đó, trong thời đại giao lưu hội nhập ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể chọn lọc các loại trang phục của các dân tộc bạn và sử dụng có sáng tạo như veston, các kiểu váy nơi công sở …

Nhưng điều quan trọng nhất là trang phục phải hài hòa với hình thể, nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Phải chăng cùng với vẻ đẹp hình thức chúng ta còn cần phải chăm sóc đến vẻ đẹp của nhân cách và tâm hồn ? Nếu không thì cái y phục hình thức kia sẽ trở nên lòe loẹt, kệch cỡm hơn thôi. Rõ ràng đúng như câu nói của ông bà ta vẫn thường dạy “y phục xứng kì đức” là vậy !

Thế mới biết, trang phục không có pháp luật nào can thiệp, nhưng nó có những qui tắc ngầm cần phải tuân thủ, đó là văn hóa xã hội. Vậy, theo tôi, trang phục đẹp chính là trang phục hợp văn hóa, hợp đạo đức và hợp môi trường. 

Tuyết Oanh – K.SP
Trích e-News ĐẠI HỌC AN GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét